Mỗi lần vào nhà sách, chúng ta lại thấy xếp hàng dài trên giá những cuốn sách dành cho các bậc Cha Mẹ. Từ “Tâm lý trẻ con tuổi chập chững” cho đến “Bảy bí mật tuổi mới lớn”, “Teen cần gì ở Cha Mẹ?”… Nhìn vào đó, em sẽ thấy rằng lứa tuổi em ngày nay đang được Cha Mẹ tìm hiểu hoặc cố gắng để tìm hiểu. Vì yêu thương và để biết yêu thương đúng cách.

Nhưng còn những người con thì sao?

Có bao giờ em nghĩ đến việc tìm đọc những cuốn sách viết về tâm lý của những người làm Cha làm Mẹ? Ai cũng biết làm Cha làm Mẹ là một việc khó khăn. Vậy phải chăng chúng ta đã, đang làm con quá dễ dàng, bằng cách biện hộ “rằng thì là” nước mắt chảy xuôi, nên không cần quan tâm đến nỗi lòng Cha Mẹ?

Chẳng phải chúng ta vẫn thường thốt lên câu “không thể hiểu nổi” đó sao? Không thể hiểu nổi tại sao Ba Mẹ lại không chấp nhận bạn bè con, không thấu hiểu mong muốn của con, đòi hỏi quá sức con, la mắng trách phạt con? Không thể hiểu nổi tại sao Ba Mẹ lại luôn cáu gắt với nhau, cãi vã nhau hoài? Không thể hiểu nổi tại sao Ba Mẹ chỉ quan tâm đến tiền bạc, chỉ biết cắm đầu vào công việc làm ăn? Không thể hiểu nổi tại sao Ba Mẹ lại phải chia tay, để gia đình mình tan vỡ?

nguoc dong nuoc mat
Thưa người, nước mắt chảy xuôi. Giọt mưa rơi xuống từ trời, nghìn xưa (Sương Mai)

Chúng ta đã luôn đặt câu hỏi tại sao, và câu trả lời thường là “Khi nào con lớn, con có gia đình, con cái, con sẽ hiểu lòng Cha Mẹ?” Tại sao phải đợi đến lúc đó, mà không phải là bây giờ. Cả chuyện đó cũng là một câu hỏi.

Tôi nhớ một ngày nọ khi tôi còn nhỏ, tôi không chịu đi học và cứ lải nhải nhắc Mẹ hôm nay là hạn chót phải nộp học phí, Mẹ ngần ngừ bảo tôi cứ đi học, nói cô thông cảm gia hạn thêm đến ngày mai. Buồn tủi và xấu hổ trước viễn cảnh cả lớp đã đóng học phí còn tôi thì chưa, tôi đánh liều đi vay tiền của một người quen để đóng, định bụng khi nào Mẹ đưa tiền thì tôi sẽ trả. Hôm sau, Mẹ biết chuyện, về nhà với đôi mắt đỏ hoe và đánh đòn tôi một trận thật đau. Tôi giận Mẹ suốt mấy tháng trời. Tôi không hiểu nổi mình đã làm gì sai vì tôi chỉ mượn chứ không trộm cắp của ai, và trước sau gì Mẹ cũng phải đưa tôi tiền đóng học phí. Giá như lúc đó tôi hiểu được nỗi buồn của Mẹ. Giá như lúc đó tôi biết đến nỗi khó khăn và cả lòng tự trọng của Mẹ. Giá như lúc đó, chứ không phải đợi đến mười lăm năm sau, tôi mới biết Mẹ đã phải bán đi chiếc nhẫn cưới để lấy tiền đóng học phí cho tôi. Nhưng tại sao Mẹ không muốn tôi biết, nỗi lòng ấy tôi ước gì khi ấy mình có thể hiểu.

Bởi đối với chúng ta, Cha Mẹ đâu chỉ có Công, có Nghĩa, có Tình yêu không cần đáp trả. Cha Mẹ còn có nỗi lòng, những dằn vặt, những diễn biến tâm lý trong từng giai đoạn khó khăn khác nhau của một kiếp làm người. Có đáng để tìm hiểu không em? Có đáng để chúng ta lội ngược một dòng nước mắt? Vì yêu thương. Và để đón nhận tình yêu thương đúng cách. 

T/g:  Phạm Lữ Ân
Cùng tác giả:

cùng hội cùng thuyền nè:
Làm sao để hôn nhân bền vững ?

Làm sao để hôn nhân bền vững? Đó luôn là câu hỏi dành cho nhiều....

Những câu nói hay trong phim “Em và Trịnh”

Phim “Em và Trịnh” mới ra rạp tháng 06/2022 được nhiều người yêu thích. Quan....

Đừng xấu hổ vì những điều như thế

Trong cuộc sống mỗi người sinh ra đều có một hoàn cảnh & xuất phát....

Học cách yêu ? Như yêu lần đầu !

Chúng ta là hai nữa khác biệt với nhau, vậy làm sao để nhìn được....

Chúng ta nên tạo duyên hay vạn sự tùy duyên ?

Tùy duyên là gì? Tùy duyên có phải là chờ đợi thứ mình mong muốn....

Cuộc sống # Cuộc đời

Chúng ta thường nói vui: cuộc sống khác với cuộc đời! Là bởi, trông nhìn....

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *